Đăng ngày: 15/11/2016 - 15:50:42 PM
Nếu bạn muốn làm Content khác biệt hơn, hiệu quả hơn, cách đơn giản nhất, là biến nó thành một cuộc trò chuyện. Vì khi được chuyện trò, người ta có xu hướng dễ mở lòng hơn, thích thú hơn, và tin tưởng hơn. Dưới đây là Top 7 cách để trò chuyện với độc giả.
Bạn là một Blogger chuyên nghiệp, bạn là người phụ trách content marketing? Các bài viết của bạn được đánh giá là có chất lượng, thu hút độc giả, nhưng đợi một chút.. Bài viết của bạn có nhận được nhiều sự tương tác? Các bài viết của bạn có nhận được nhiều comment chia sẻ, đồng cảm từ phía độc giả?
Ở trường Tiểu học, bạn được dạy viết đúng ngữ pháp. Ở trường Đại học, bạn được dạy viết các bài tiêu luận thật hàn lâm và "nguy hiểm”. Nhưng không ai dạy cho bạn cách đối thoại, trò chuyện, tâm tình, thuyết phục, truyền cảm, không ai dạy cho bạn viết một cách tự nhiên và chân thành.
Một bài viết với lời lẽ sắc bén, dẫn chứng rõ ràng, đúng nó rất hữu ích và nhận được sự tin tưởng của độc giả. Nhưng nếu một bài viết, được viết như một câu chuyện, dẫn dắt độc giả cùng tham gia, chắc chắn sẽ lấy được sự đồng cảm, ấn tượng hơn từ phía độc giả, và họ chắc chắn sẽ háo hức đón chờ những bài viết tiếp theo.
Dưới đây vChat gợi ý 7 cách giúp bạn biến tấu Content thành một cuộc trò chuyện tâm tình:
1. Không viết cho tất cả mọi người
Một diễn giả khi đứng trước 10.000 mà anh ta không hề quen biết, theo phản xạ, sẽ bắt đầu bằng câu: “Quý vị và các bạn thân mến!” – rất khách sáo và xa lạ.
Đó cũng là phản xạ tự nhiên của bạn, nếu bạn không biết mình đang viết cho ai, không hiểu độc giả của mình, và từ đó đi đến suy nghĩ: viết cho mọi người cùng đọc.
Vì vậy, hãy chọn ra đối tượng công chúng mục tiêu và tìm hiểu tâm lý, tính cách, sở thích và hành vi của họ. Hiểu họ rồi, bạn sẽ tự “bật ra” một lời chào thân thiện và tự nhiên.
2. Đừng cố gắng gây ấn tượng bằng những từ ngữ hàn lâm
Vì nó sẽ tạo cảm giác rất đao to búa lớn, nhưng giáo điều và sáo rỗng. Thử so sánh 2 đoạn này nhé:
“Hãy là người tiên phong sử dụng các phần mềm được phát triển bởi những lập trình viên dẫn đầu thị trường. Hãy lên lịch bài đăng cho các trang Mạng xã hội của bạn với các ứng dụng đa nhiệm nhận được nhiều đánh giá tích cực trêncác hệ điều hành”.
“Với những ứng dụng mới giúp tiết kiệm thời gian, bạn có thể lên lịch bài đăng Mạng xã hộitrong vòng một nốt nhạc”.
Bạn muốn đọc đoạn nào hơn?
Nền tảng của một cuộc đối thoại là sự thấu hiểu. Nên đừng cố gắng gây ấn tượng bằng cách nói những điều mà người đọc không hiểu.
3. Đặt mình ở sau
Đừng quá tập trung vào sản phẩm/ dịch vụ của mình, hãy đặt độc giả lên trước và giúp họ giải quyết vấn đề của họ đã. Đặt ở cương vị người đọc, bạn thích mẫu nào hơn:
“ Đăng ký theo dõi và chúng tôi sẽ gửi cho bạn các ấn phẩm Marketing hàng tuần”
“Làm thế nào để lên chiến dịch Marketing thông minh hơn? Hãy đăng ký theo dõi để nhận các ấn phẩm Marketing hàng tuần để có câu trả lời nhé!”.
Đừng sử dụng quá nhiều từ “tôi”, “chúng tôi”, thay vào đó, hãy chuyển hết về “bạn”, “của bạn”.
4. Nói chuyện như một người bạn
Những nhóm bạn thường đến với nhau từ những điểm chung – hãy tìm ra điểm chung của nhóm công chúng mục tiêu và gắn kết với họ.
Nếu bạn kinh doanh thời trang dành cho sinh viên, hãy dành vài bài đăng để nói về “Hậu duệ mặt trời”. Nếu bạn bán thuốc giảm cân, đừng ngại chia sẻ thực đơn ăn kiêng hay ảnh phòng gym của mình. Độc giả sẽ “nhớ mặt đặt tên” bạn, và cảm thấy gần gũi với bạn một cách tự nhiên.
Bạn cũng có thể kể những câu chuyện có thật hoặc không có thật, tất nhiên là phải liên quan đến lĩnh vực mà bạn đang kinh doanh nhé! Thu hút nhất vẫn là những câu chuyện mang tính “kinh nghiệm” – những sai lầm và sửa chữa của bạn. Nếu bạn có một giọng văn cá tính, hãy tận dụng để trở nên nổi bật.
Nếu công chúng tương tác nhiều và tỏ ý tò mò về con người bạn, thì cứ hé lộ vừa đủ về bản thân mình.
5. Bạn có hay dùng câu hỏi không?
Nghiên cứu chỉ ra rằng, câu hỏi sẽ giúp tăng lượng click lên cao gấp đôi so với các bài viết thông thường, và khiến cho người đọc cảm thấy thuyết phục hơn.
Vì câu hỏi khiến cho người đọc phải suy nghĩ, và vì thế nó in sâu hơn vào tâm trí của họ, thay vì trôi tuột như những câu đơn bình thường. Và nếu người đọc có cùng quan điểm mà câu hỏi đặt ra, thì xin chúc mừng, bài đăng của bạn hoàn toàn thuyết phục được họ!
Bản thân tôi sẽ thử đổi sang cách viết này nhé!
Cách thông thường: “Bạn nên đưa câu hỏi vào, nó sẽ tăng tương tác cho bài viết”
Dùng câu hỏi: “Bạn muốn bài đăng của mình nhiều tương tác hơn? Hãy sử dụng câu hỏi!”
6. Rút ngắn câu
Viết dài thì dễ thành lê thê, lại khiến người đọc mỏi mắt. Vì vậy, hãy rút ngắn câu nhất có thể. Chưa kể, việc viết ngắn sẽ khiến cho bài đăng của bạn rõ ý hơn, và bạn có thể nhấn mạnh vào trọng tâm.
Nhớ nhấn vào ý chính. Ý chính. Như thế này này.
7. Quên hết những gì đã học đi!
16 năm đi học với vô số các bài tập làm văn và tiểu luận có thể sẽ khiến cho bạn bị ám ảnh với những từ ngữ khoa học, thuật ngữ chuyên môn, những yếu tố về văn phạm và ngữ pháp, và thậm chí làm cho bạn thiếu tự tin khi không có một bài văn mẫu nào bên cạnh.
Quên hết đi! Vì bạn không viết tiểu thuyết, cũng không nghiên cứu các vấn đề khoa học. Bạn đơn giản là đang trò chuyện với các khách hàng tiềm năng của mình. Cứ thoải mái thêm vài các từ như “hừm”, “à”, “ôi chao”, các xu hướng như “Thật không thể tin nổi!”, “Các mẹ biết gì chưa?”… Hãy để bài viết tự nhiên như cảm xúc.
Trên đây là 7 cách để giao tiếp với độc giả trong Content Marketing.
Chúc bạn thành công!
Nguồn: Sưu tầm