Đăng ngày: 29/10/2014 - 11:54:14 AM
Thừa nhận tiềm năng của ngành kinh doanh này tại Việt Nam, song lãnh đạo Hiệp hội bán lẻ cho rằng doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như thói quen tiêu dùng, lòng tin vào sản phẩm...
Thương mại điện tử tại Việt Nam được đánh giá còn nhiều thách thức do thói quen mua sắm của người Việt, nền tảng công nghệ...
Trình bày tại diễn đàn "Ngành bán lẻ trong kỷ nguyên mới: Tầm nhìn và con đường thành công” được tổ chức đầu tuần này, các diễn giả đều cho rằng, ngành bán lẻ tại Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, thói quen tiêu dùng và cuộc xâm lấn của doanh nghiệp ngoại đã đặt ra với các nhà bán lẻ nội nhiều thách thức.
Theo ông Alan David Treadgold, Viện Quản lý bán lẻ Oxford (Anh), đối với các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ, Việt Nam là một trong những thị trường rất tiềm năng, khi những thành phố phát triển như London, New York... trở nên chật chội. “Thị trường Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển những trung tâm mua sắm và kênh bán hàng hiện đại”, vị này nói.
Ông cho rằng lý do chính khiến các nhà bán lẻ nước ngoài gần đây đầu tư mạnh vào Việt Nam là sau nhiều cam kết quốc tế, thị trường ngày càng mở rộng hơn với họ. Tuy nhiên, điều quan trọng là họ thấy rằng có thể làm tốt hơn các đối thủ trong nước. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần phải rà soát tất cả các khâu mạnh, yếu... để có những biện pháp cắt giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh.
“Tại các quốc gia ở châu Âu và Mỹ, cứ 10 siêu thị thì có một nơi phải đóng cửa do sự lên ngôi của xu hướng mua sắm online, thương mại điện tử. Việt Nam thì đang ở mức phát triển khác, thấp hơn, nên vẫn còn nhiều dư địa để các nhà bán lẻ tiếp tục tăng doanh thu bán hàng qua siêu thị. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng nên chuẩn bị cho xu hướng này. Các nhà bán lẻ tại châu Âu từng không thể nghĩ rằng xu hướng tiêu dùng tại đây lại thay đổi nhanh đến vậy. Do đó, cần phải đặt ngay câu hỏi này cho mô hình ở Việt Nam nếu không sẽ quá muộn”, chuyên gia này nhận định.
Diễn giả Đặng Thúy Hà, Giám đốc Khách hàng khu vực miền Bắc của Nielsen nhận định ngành bán lẻ trong kỷ nguyên mới sẽ phát triển theo xu hướng của kỷ nguyên số. Người tiêu dùng sử dụng công nghệ số nhiều hơn và ngày càng thông thái hơn. Do đó, theo chuyên gia này, trong tương lai, ngành bán lẻ không vận động theo đường thẳng nữa (chỉ gồm khách hàng, cửa hàng và doanh thu) mà theo mô hình mạng lưới trong đó doanh thu được thu về từ nhiều nguồn mạng xã hội, cửa hàng, máy tính bảng, điện thoại di động…
Đồng tình với các quan điểm này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ cũng nhận định trong tương lai mua sắm không cần đến cửa hàng nói chung và bán lẻ qua mạng trực tuyến nói riêng sẽ khởi sắc hơn.
“Sẽ xuất hiện tầng lớp người tiêu dùng không bao giờ đi đến các cửa hàng thực mà mua bán online trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển", bà nói. Do đó, theo bà Loan, thị trường Việt Nam hiện có rất nhiều tiềm năng, tuy nhiên rào cản cũng không ít.
“Nền kinh tế tiền mặt, thiếu lòng tin vào thương hiệu sản phẩm, thương hiệu bán lẻ, độ an toàn thanh toán chưa cao, thói quen mua sắm của người Việt… là những rào cản với việc phát triển thương mại điện tử”, bà Loan nói. Do đó, theo chuyên gia này, thương mại điện tử và bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam từ tiềm năng đến hiện thực là một con đường quá xa và đầy trở ngại.
Còn ông Alan David Treadgold cho rằng, công nghệ là một trong những khó khăn nhất đối với các nhà bán lẻ Việt Nam. Để vượt qua khó khăn đó, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái cho rằng, bên cạnh những chính sách bảo hộ cho doanh nghiệp nội, cơ quan quản lý nên cởi mở hơn đối với việc tạo điều kiện để doanh nghiệp nội liên kết với nhà đầu tư ngoại.
"Nhiều doanh nghiệp trong nước có nhiều tiền nhưng cũng không thể làm làm tốt được vì thiếu kinh nghiệm, công nghệ và thương hiệu. Trong khi đó, nếu cứ tự mày mò đi học thì có khi cả chục năm sau vẫn chưa làm được thì đã bị các tên tuổi lớn trên trường quốc tế đè bẹp", ông Đoàn nói.
Theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 2,1 triệu tỷ đồng tăng 11% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh nghiệp nội chiếm 96,5 %, tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ. Còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ chiếm 3,4% nhưng đạt mức tăng trưởng gần 22%.
Dự kiến cả năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ sẽ đạt 2,97 triệu tỷ đồng, tăng hơn 11% so với 2013.
Đến cuối năm 2013, cả nước có khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại, 8.546 chợ các loại và khoảng một triệu cửa hàng quy mô nhỏ của hộ gia đình. Trong đó, riêng thị phần của kênh bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Philippines (33%), Thái Lan (34%), Trung Quốc (51%), Malaysia (60%)...
Theo VnEpress