Châu Âu "tấn công" Google

Đăng ngày: 05/12/2014 - 11:39:12 AM

Cuộc tổng tấn công của châu Âu nhắm vào Google đặt lại những khái niệm về độc quyền trong kỷ nguyên số.

Sau 4 năm điều tra chống độc quyền về dịch vụ tìm kiếm tại khu vực châu Âu, Nghị viện Châu Âu đã thông qua nghị quyết yêu cầu tách mảng tìm kiếm (Google Search) ra khỏi các dịch vụ khác của Google.

Bản dự thảo trình lên Nghị viện Châu Âu đã chỉ ra rằng "việc tách bộ máy tìm kiếm khỏi các dịch vụ thương mại khác" là giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế sự thống trị của Google.

Vào năm 2010, một số đối thủ cáo buộc Google đã ưu tiên cho các sản phẩm và dịch vụ của Google trong các kết quả tìm kiếm, qua đó đã mở màn cho các cuộc điều tra chống độc quyền trong 4 năm qua.

Bên cạnh đó, nghị quyết của Nghị viện Châu Âu còn hối thúc Ủy ban Châu Âu (EC) "ngăn chặn việc hãng quản lý công cụ tìm kiếm lạm dụng kết quả tìm kiếm để tiếp thị các dịch vụ khác của chính hãng đó”, qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không phân biệt đối xử đối với các kết quả tìm kiếm.

Theo thống kê, Google có 68% thị trường tìm kiếm web tại Mỹ và hơn 90% ở nhiều nước châu Âu. Giống như hai công ty công nghệ khác của Mỹ là Facebook và Amazon, Google đang thu thập nhiều dữ liệu hơn so với bất kỳ công ty nào khác nên đứng trước cáo buộc thiên vị các dịch vụ riêng của mình.

Mỹ đã bác bỏ vụ kiện đối với yêu cầu liên quan đến Google vì cho rằng Google không vi phạm các quy định. Trước đó, EC đã ba lần cố gắng đưa ra án phạt 5 tỷ USD với Google nhưng không thành công vì bị phủ quyết bởi ông Joaquin Almunia, Phó chủ tịch EC và người phụ trách về cạnh tranh.

Theo các báo cáo thị phần trong quý gần đây nhất, hệ điều hành di động của Google đã đạt được một mốc quan trọng trong quý II/ 2014 khi 85% smartphone trên thế giới điều sử dụng nó.

Trong thực tế, Google đã tạo ra Android là một hệ điều hành mở miễn phí vì muốn các dịch vụ của họ được nhiều người sử dụng nhất có thể, và việc buộc các nhà sản xuất phải mang các dịch vụ của họ lên thiết bị là đương nhiên vì chúng sẽ giúp kiếm lợi nhuận một cách gián tiếp nên độc quyền của Google trên Android là cạnh tranh công bằng.

"Độc quyền trong bất cứ thị trường nào chưa bao giờ là hữu ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng", nhà lập pháp bảo thủ người Đức Andreas Schwab cũng là người đề xuất nghị quyết cho biết.

Tuy nhiên, ông Schwab lại không muốn bỏ phiếu chống Google vì ông sử dụng công cụ tìm kiếm này mỗi ngày. Hiệp hội Công nghiệp truyền thông và máy tính (CCIA) bao gồm các thành viên Google, eBay Facebook, Microsoft và Samsung cho biết nghị quyết là "cực đoan và không khả thi", không có ý nghĩa trong việc thay đổi nhanh chóng thị trường trực tuyến.

 

Cuộc bỏ phiếu với các phiếu thuận chiếm ưu thế nhưng vẫn chưa có nghĩa Google Search sẽ bị tháo gỡ ngay vì Nghị viện Châu Âu không có thẩm quyền làm việc này. Kết quả cuối cùng còn chờ EC xem xét và thảo luận với các bên liên quan.

 

Ngoài các rào cản thương mại, nghị quyết chống Google của Nghị viện Châu Âu cho thấy những bất đồng về mặt chính trị giữa Mỹ và EU sẽ làm tăng nhiệt thêm cho những đòn áp đảo lên Google ở châu Âu.

Microsoft từng bị phạt 700 triệu USD do áp đặt người dùng phải sử dụng trình duyệt IE khi mua máy tính đủ thấy quyền lực của EC trong khối kinh tế lớn nhất thế giới này.

Tuy nhiên, chính sự bùng nổ của công nghệ đã cho thấy có nhiều lý do chính đáng phải nhìn nhận lại hình thức độc quyền. Trước hết là rào cản trong lĩnh vực này ngày càng thấp, khiến cho những công ty "start up" dễ dàng hình thành và lớn mạnh như Instagram, WhatsApp hay Slack.

Đúng là các công ty lớn có thể thâu tóm các đối thủ mới nổi (như Facebook mua lại Instagram và WhatsApp, Google mua lại Waze, Apture...), nhưng các thương vụ này cho đến nay vẫn cho thấy khuyến khích sự hình thành của các công ty start up hơn là triệt tiêu.

Thứ hai, các sản phẩm như Google không "khóa" khách hàng như hệ điều hành Window của Microsoft. Và ngay cả những sản phẩm của những người khổng lồ như Google cũng không có lợi thế lâu dài.

Chẳng hạn, có thể xem xét sự suy giảm của MySpace, hay gần đây hơn của Orkut, trước Facebook và hàng loạt các ứng dụng nhắn tin khác.

Cuối cùng, bài học "công nghệ độc quyền" của IBM hay Microsoft cho thấy một chân lý: công nghệ không có biên giới, ngay cả những người khổng lồ cũng dễ dàng bị lật đổ trước những đối thủ mới.

Chẳng hạn, Facebook đang ăn vào doanh thu quảng cáo của Google. Hay chính sự thành công của Android cũng có thể làm suy yếu Google và Google đang dần mất kiểm soát Android khi các công ty khác xây dựng hệ sinh thái di động riêng trên nền tảng mã nguồn mở của chính Google.

"Vì vậy, thay vì tấn công vào Google hay các công ty công nghệ Mỹ, các nhà lãnh đạo châu Âu nên tự hỏi tại sao họ đã không sáng tạo ra một Google hoặc Facebook của châu Âu? Mở cửa thị trường dịch vụ kỹ thuật số có lợi nhiều hơn là khư khư giữ lấy những thứ cũ kỹ”, đại diện của Google tranh luận.

Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn

Vchat là gì ? Nếu bạn có website, bạn hãy tích hợp vChat vào website của mình để có thể hỗ trợ khách hàng trực tuyến đang truy cập vào website của bạn tại bất kỳ thời điểm nào trong ngày.Tiện ích của vChat giúp bạn bắt đầu cuộc trò chuyện với khách hàng ngay lập tức... Chi tiết