Đăng ngày: 15/01/2019 - 13:41:30 PM
Chiều ngày 14/1, Cục Xúc tiến Thương mại thuộc Bộ Công Thương đã công bố hợp tác với Amazon Global Selling để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu thông qua thương mại điện tử. Theo đó Amazon chính thức vào Việt Nam
Amazon chính thức vào Việt Nam - Những điều cần biết
Chiều ngày 14/1, Cục Xúc tiến Thương mại thuộc Bộ Công Thương đã công bố hợp tác với Amazon Global Selling để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu thông qua thương mại điện tử.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, việc tham gia vào chương trình bán hàng toàn cầu của Amazon (Amazon Global Selling) giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận hơn 300 triệu tài khoản người mua trên toàn cầu của tập đoàn này, đồng thời là cơ hội tăng cường xuất khẩu sản phẩm qua kênh thương mại điện tử này ra toàn thế giới.
Theo đó, phía Amazon sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận thị trường thế giới, phát triển thương hiệu trên Amazon.com. Cùng đó, đơn vị này cũng giúp phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp, hàng hoá Việt Nam trong môi trường thương mại điện tử và đào tạo các doanh nghiệp Việt về thương mại điện tử, để xuất khẩu hàng hoá và học kỹ năng bán hàng trên Amazon.
Ông Bernard Tay, Giám đốc Amazon Global Selling khu vực Đông Nam Á thì đánh giá Việt Nam có tiềm năng hàng đầu Đông Nam Á xuất khẩu hàng hóa qua Amazon. Ông này cho rằng, Việt Nam là một quốc gia có nhiều mặt hàng thế mạnh, có thể dễ dàng bán hàng trên nền tảng của doanh nghiệp này.
Một năm trước, thời điểm đầu năm 2018 đã xuất hiện nhiều thông tin nói rằng Amazon vào Việt Nam. Tuy nhiên, đây là thỏa thuận chính thức đầu tiên được công bố.
Đây là tín hiệu cho thấy Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn đối với những gã khổng lồ thương mại điện tử. Trước Amazon, tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma cũng đã đặt chân vào Việt Nam thông qua việc thâu tóm Lazada.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam tăng 23% lên mức 5 tỷ USD trong năm 2016, chiếm 3% tổng mức doanh thu bán lẻ. Doanh thu thường niên của thương mại điện tử ở nước ta được dự báo sẽ đạt 10 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 5% tổng mức doanh thu bán lẻ.
Ngoài Alibaba, gã khổng lồ công nghệ và đầu tư Trung Quốc là Tencent cũng đầu tư rất lớn vào thị trường Việt Nam.
Tencent hiện nắm giữ 39,8% cổ phần công ty gốc Singapore là Sea - một công ty chuyên kiến tạo các nền tảng và dịch vụ thương mại điện tử. Một trong những sản phẩm của Sea là cửa hàng bán lẻ trực tuyến Shopee, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Lazada ở Đông Nam Á. Foody.vn, một nền tảng đánh giá nhà hàng, đặt chỗ và giao nhận thức ăn, cũng thuộc sở hữu của Sea. Bên cạnh đó, Tencent còn là một cổ đông của công ty thương mại điện tử Trung Quốc JD.com và tập đoàn công nghệ Việt Nam VNG - tập đoàn vừa đầu tư rất mạnh vào website thương mại điện tử Tiki.vn vào tháng 1/2018.
Tháng 10/2017, Alibaba cũng ký thỏa thuận hợp tác với một doanh nghiệp Việt là Novaon để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu. Doanh nghiệp Việt là đại lý chính thức cung cấp các gói dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu của Alibaba.com; giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, khai thác và làm chủ nền tảng kinh doanh trực tuyến này
Nguồn: Cafebiz.vn