Nhận 384 tỉ đầu tư của VNG, từ đầu năm đến nay Tiki.vn đã lỗ 157 tỉ đồng

Đăng ngày: 27/12/2016 - 00:15:51 AM

Thương mại điện tử tại Việt Nam là cuộc chơi không dành cho người ít tiền.

Các khoản lỗ trong đầu tư kinh doanh có nhiều lí do, nguyên nhân, thậm chí góc khuất và cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau. Lỗ không có nghĩa là đã quá bi đát, là chết. Khoản lỗ 157 tỉ đồng của Tiki trong 8 tháng qua, được CEO của sàn này là ông Trần Ngọc Thái Sơn nhìn nhận như vậy.

 

Hồi đầu năm nay, Công ty cổ phần VNG đã mua 3,7 triệu cổ phiếu tương đương 38% cổ phần của Tiki với giá 384 tỷ đồng. Đây được coi là khoản đầu tư "khủng" so với mặt bằng chung của thị trường, nhất là khi hàng loạt trang thương mại điện tử đã phải cay đắng rời bỏ thị trường do thua lỗ. Số tiền nói trên cũng đồng nghĩa VNG định giá Tiki khoảng 1.000 tỷ đồng và cho thấy tham vọng rất lớn của VNG với Tiki.

 

Tuy nhiên, cũng giống như bao mô hình TMĐT khác, khả năng "đốt tiền" đầu tư của Tiki cũng không phải xoàng. Sau khi đầu tư, các báo cáo của VNG đã liên tiếp phải hạch toán giảm giá trị khoản đầu tư vì bị lỗ.

 

Cụ thể tới quý 2, khoản đầu tư này của VNG lỗ 30 tỷ đồng, giá trị khoản đầu tư giảm từ 384 tỷ đồng xuống còn 354 tỷ đồng. Sang quý 3, VNG tiếp tục thông báo khoản đầu tư vào Tiki lỗ tiếp 30 tỷ đồng nữa, giá trị hiện chỉ còn 324,7 tỷ đồng.

 

Nếu chỉ tính riêng trong quý 3, Tiki đã lỗ khoảng 78,1 tỷ đồng. Còn nếu tính từ khi nhận đầu tư của VNG, Tiki lỗ khoảng 157 tỷ đồng. Tính trung bình đều đặn mỗi tháng, Tiki đã lỗ hơn 17 tỉ đồng.

 

Con số lỗ này đã xấp xỉ số lỗ của Lingo.vn, trang thương mại điện tử phải đóng cửa hồi đầu tháng 8 vừa qua, sau khi "nướng" hết sạch tiền và không còn nguồn lực hoạt động.

 

Nhìn những con số này, có thể thấy thị trường TMĐT Việt Nam không dành cho người ít tiền. Dù chỉ trong giai đoạn sơ khai, thị trường đã chứng kiến cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt với nhiều cái tên lớn như Lazada, Adayroi, Zalora, và càng nóng hơn khi Alibaba thâu tóm Lazada, còn Zalora về tay người Thái. Một số tên tuổi khác, như Thế Giới Di Động cũng đang nhăm nhe nhảy vào thị trường với trang vuivui.com.

 

Một chuyên gia trong ngành đã nhận định, “Vấn đề quan trọng ở Việt Nam đó là mặt hàng. Vì không có lực lượng doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, nên các trang thương mại điện tử của chúng ta chỉ đơn thuần là nhập hàng của Trung Quốc, Mỹ về bán, khiến không thể cạnh tranh về giá thành với các cửa hàng bán lẻ thông thường, và lợi nhuận biên cũng rất mỏng manh”.

 

Với Tiki, hệ thống này còn đang đối mặt với bài toán tăng trưởng nóng. Từ một trang bán sách online, Tiki đã liên tục mở rộng số lượng mặt hàng của mình và đổi định vị thành hệ thống có 100.000, rồi 300.000 sản phẩm. Với áp lực từ dòng tiền đầu tư vào, việc mở rộng sẽ càng thúc đẩy Tiki "đốt" thêm tiền trong thời gian tới.

 

Khoản lỗ của Tiki đã xấp xỉ với khoản lỗ của sàn TMĐT Lingo - doanh nghiệp trước đó đã bị phá sản. Nhưng CEO của Tiki, được trang Trí Thức Trẻ dẫn lời lại nhìn nhận rằng đây là "một tín hiệu vui".

 

"Lỗ vui". Nghe thấy gần với câu "trong nguy có cơ" (cơ hội) mà người ta hay sử dụng để lí giải một tình huống nào đó.

 

Lỗ 157 tỉ đồng trong 8 tháng - khoảng 7,5 triệu USD, có thể được coi là nhiều là lớn vì gắn với một sàn TMĐT đã có tên tuổi ở Việt Nam là Tiki. Và nếu mang ra so với khoản tiền 384 tỉ đồng mà Công ty Cổ phần VNG bỏ ra để mua lại 38% cổ phần tại Tiki (khoảng 3,7 triệu cổ phiếu) thì nó đã "ngốn" xấp xỉ 41% khoản tiền VNG đầu tư vào.

 

Nhưng nếu so với các công ty nước ngoài, các sàn TMĐT nước ngoài, đơn cử như Lazada chẳng hạn, hay thậm chí như Zalora, thì khoản lỗ 157 tỉ đồng trong 8 tháng cũng chẳng phải là gì quá to tát. Bất cứ một sàn TMĐT B2C nào đang trong giai đoạn đầu tư và cạnh tranh để chiếm vị trí số 1 hay để có được "số má", mà lỗ 157 tỉ đồng đã coi là quá lớn, đã quá hụt hẫng, thì tốt nhất nên rút lui ngay khỏi cuộc đua trên thị trường thương mại điện tử B2C tại Việt Nam hiện nay. Cỡ như Lingo, mới lỗ hơn trăm tỉ đồng, đã phá sản, đã bỏ chạy xù tiền lương bổng nhân viên một cách đáng xấu hổ, cho thấy từ nhà đầu tư đến những người xây dựng dự án kinh doanh này đã "hồn nhiên hơn cô tiên" khi bước chân vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Tập đoàn Rocket Internet đã gọi vốn được cả tỉ USD để đầu tư cho Lazada, Zalora… mà vẫn còn chưa đủ tự tin có thể gồng mình "đốt tiền" đến ngày "thắng lợi", vì thế khi gặp thương vụ hời bán Lazada 1 tỉ USD cho Alibaba là "khớp lệnh" ngay, nhờ từ đây mà có thể nhẹ nhàng rút lui khỏi Zalora sau khi bán lại giá bèo cho Central Group của Thái Lan.

 

Có lẽ không cần phải liệt kê ra từng thứ mà CEO Tiki kể ra về sự "lỗ vui" của doanh nghiệp này. Mà câu hỏi cốt lõi nhất, quan trọng nhất nên đặt ra lúc này là: Sau khoản "lỗ vui" ấy, đã giúp thay đổi được tương quan cục diện như thế nào đối với các đối thủ trên thị trường? Và Tiki có thể  tiếp tục chịu được những khoản "lỗ vui" như thế đến bao giờ, đặc biệt là trước một Lazada có đại gia tiền mạnh hàng đầu thế giới Alibaba hậu thuẫn, hay một Adayroi của Vingroup cũng đang trỗi dậy mạnh mẽ?

 

Nguồn: Sưu tầm

Vchat là gì ? Nếu bạn có website, bạn hãy tích hợp vChat vào website của mình để có thể hỗ trợ khách hàng trực tuyến đang truy cập vào website của bạn tại bất kỳ thời điểm nào trong ngày.Tiện ích của vChat giúp bạn bắt đầu cuộc trò chuyện với khách hàng ngay lập tức... Chi tiết